Còn chút đọng lại
Giuse Thẩm Nguyễn
Từ lúc bị Covid tới nay, tôi ít có dịp gặp các bạn trong nhóm Andre của chúng tôi. Nhóm gồm có 5 thành viên, đã sinh hoạt với nhau trên 15 năm nay. Chúng tôi trở nên thân thiết như anh em ruột trong nhà, chia sẻ với nhau nhiều thứ, đến với nhau những dịp ma chay hiếu hỉ. Nhưng nhóm đã ngưng không họp nữa, phần vì trong nhóm có một người vừa được Chúa gọi về, phần vì có 2 anh đã luống tuổi, gặp khó khăn trong việc lái xe đi họp, phần vì một anh đang bận học các lớp của giáo phận, chỉ còn lại mình tôi, nên đã tìm để nhập vào một nhóm Andre khác.
Hôm nay nhân có một buổi tiệc mừng ngân khánh của một vị linh mục, mọi người mới có dịp tụ lại, ai nấy đều vui mừng thăm hỏi nhau.
Một chị vợ của người bạn trong nhóm Andre đến nói cho tôi biết rằng chồng của chị, cũng có mặt hôm nay ở đây, nhưng anh ấy bị lãng trí rồi. Nhiều lúc vừa ăn tối xong, có khi ông quên và lại đòi ăn nữa. Nghe chị nói vậy tôi liền hỏi chị xem anh ngồi ở đâu và vội vàng đến với anh ngay. Vừa nhìn thấy tôi anh đã mừng rỡ vội vàng đứng lên, bắt tay tôi hết sức thân mật và hỏi:
-Ồ, anh Thẩm, khỏe không, lâu quá không gặp.?
Tôi mừng quá, ôm anh và nói “ Tụi em vẫn khỏe, anh chị thế nào rồi?
Anh không trả lời, từ từ ngồi xuống và đôi mắt lạc đi như đang nhìn vào cõi xa xăm nào đó.
Tôi đứng bên anh, tần ngần, thấm thía với tuổi già đang đến.
********************
Lâu rồi trong các thánh lễ ngày thường ở Giáo xứ của tôi không có hát lễ, và sách hát ở các bàn quỳ đã đem cất hết để tránh truyền bệnh Covid qua tay. Thế rồi một ngày kia xuất hiện một ông, tuổi trung niên mang đàn Guitar cùng các nhạc cụ lỉnh kỉnh đến và hát. Không phải ngày nào ông cũng đến, nhưng chỉ một hai ngày trong tuần thôi. Có tiếng đàn tiếng hát trong thánh lễ cũng giúp cho mọi người thêm sốt sáng, nhưng đôi khi ông hát sai nhịp, hay không lên được một cung bậc cao, gây ra ho hen sặc sụa. Có lúc ông không thuộc lời, thế là ông thay bằng những tiếng là la la làm cả nhà thờ bật cười, cha chủ tế cũng cười, tiếng cười không làm chia trí nhưng đong đầy tình yêu thương.
Ai cũng biết rằng phải là người thiện chí phục vụ lắm ông mới can đảm mang đàn vào hát. Đúng là hát hay không bằng hay hát. Tôi cảm nhận âm nhạc không qua nghệ thuật mà qua tình người, trân trọng và yêu mến sự nhiệt tình phục vụ của ông.
*************************
Có một bà tuổi sồn sồn một hôm dắt chó vào nhà thờ lễ buổi sáng. Mới đầu, chắc còn dò tìm phản ứng của cha xứ và giáo dân, nên bà và con chó ngồi ghế cuối cùng. Nhưng rồi bà và con chó cứ ngày càng tiến tới gần cung thánh. Cuối cùng thì bà và con chó đã ngồi ngay vào ghế đầu. Con chó rất ngoan, nằm im dưới chân bà, nhưng những tiếng kêu của cái xích chó làm cho tôi liên tưởng đến những va chạm xiềng xích trong các trại tù. Nhất là lúc bà lên rước lễ, con chó cũng lên theo, đôi khi nó làm cho người thừa tác viên thánh thể sợ và tôi cũng cảm thấy hơi khó chịu.
Thế rồi bẵng đi một thời gian không thấy bà và con chó đến nhà thờ nữa. Hỏi ra mới biết bà là một người khuyết tật, con chó là chó dẫn đường và giúp bà nhiều việc khác. Con chó trở thành người bạn thân thiết của bà. Mỗi lần đi lễ là bà phải cố gắng lắm mới đến được chứ không dễ dàng thuận lợi như tôi đâu.
Thế mà lúc đầu do không hiểu biết, tôi cứ nghĩ là bà này muốn khác người, đi lễ mà dắt theo chó, nên đã nhìn bà với ánh mắt khinh miệt.