Một Kho Báu Từ Trên Cao.

A Treasure from Above, Nguyệt san The Word Among Us Xem nguyên bản tiếng Anh

Giuse Thẩm Nguyễn

Mỗi người đều có mẫu người anh hùng của họ. Đó có thể là ông bà với nhiều năm kinh nghiệm đã truyền cho họ sự khôn ngoan sâu sắc. Đó có thể là một nhà lãnh đạo chính trị có bản lĩnh giữa phe đối lập truyền cảm hứng cho chúng ta. Hoặc cũng có thể là một nhân vật hư cấu, như Harry Potter hoặc Jo trong Little Women. Thông thường, chúng ta chọn những anh hùng có đức tính tỏa sáng rực rỡ: lòng dũng cảm phi thường, sự kiên nhẫn bền bỉ hoặc sự thông minh nhạy bén của họ.

Nó hơi khác với các vị thánh. Tất nhiên, họ thể hiện đức tính anh hùng bằng cách này hay cách khác. Đó là lý do tại sao họ là những vị thánh! Nhưng tất cả các vị thánh đều có một điểm chung mà ta có thể không thấy ở các anh hùng khác: họ hết sức khiêm tốn.

Lấy ví dụ như Thánh Phao-lô. Ngài đã có tất cả. Ngài là một nhà tư tưởng lỗi lạc, một nhà văn tài năng, một tông đồ can đảm và một mục tử nhân ái. Nhưng khi danh tiếng của ngài bị tấn công bởi một nhóm mà ngài gọi là “tông đồ giả”, thì sự tự vệ của ngài hơi khác thường. (2 Cô-rin-tô 11:13). Thay vì liệt kê tất cả các kỹ năng và thành tích của mình, thánh Phao-lô tự mô tả mình chẳng khác gì một “bình đất” chứa đựng “kho báu” vĩ đại của Đức Kitô. (4: 7).

"Các Tông đồ Giả". Có vẻ bất thường khi thánh Phao-lô không nói về tài năng của mình, nhưng nếu chúng ta nhìn vào bối cảnh của câu nói này, chúng ta có thể bắt đầu hiểu điều gì đã khiến ngài viết một cách khiêm tốn như vậy. Thánh Phao-lô đã dành mười tám tháng (từ năm 49–51) ở thành phố Cô-rin-tô, truyền giáo, giảng dạy và thành lập hội thánh ở đó. Nhưng sau khi ngài đi rồi, một số người ngoài đến và bắt đầu giảng dạy tin mừng khác với những gì mà Phao-lô đã truyền cho họ.

Như thể điều đó chưa đủ tệ, những tông đồ giả này còn cố gắng hủy hoại danh tiếng của Phao-lô. Họ tập chú vào những khiếm khuyết cá nhân của ngài, như ngoại hình và lối thuyết giảng của ngài. Họ nói: "Trong thư thì nghiêm khắc và hùng hổ; nhưng khi có mặt thì nhu nhược, nói chẳng ra hồn." (2 Cô-rin-tô 10:10). Họ khoe khoang về những trải nghiệm thần bí của bản thân và thậm chí còn viết thư giới thiệu để nâng cao danh tiếng của họ — hai điều này, thánh Phao-lô không làm để tránh kiêu ngạo (3: 1-3; 11: 1-7; 12: 1-4).

Những công kích này nhằm vào danh tiếng của thánh Phao-lô và cố gắng làm sai đi sự dạy dỗ của ngài đã khiến thánh Phao-lô bị tổn thương sâu sắc. Vì vậy, ngài quyết định đáp lại. Ngài cảm thấy mình phải tự vệ để có thể tiếp tục giúp đỡ các tín hữu ở Cô-rin-tô. Ngài biết rằng nếu những tông đồ giả này còn đó mà không bị vạch mặt, thì nhiều người sẽ bỏ theo họ, và nhà thờ ở đó có thể trở thành đống đổ nát.

Vậy ngài đã xử lý tình huống như thế nào? Tuyệt vời! Ngài nói với các tín hữu Cô-rin-tô rằng ngài chẳng khác gì một tôi tớ hèn mọn, bất toàn, nhưng ngài mang trong mình và công bố một kho tàng vĩ đại: Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa. Thánh Phao-lô có thể không hào nhoáng bề ngoài hay trau chuốt trong cách trình bày như những người khác, nhưng thông điệp của ngài hơn nhiều để bù đắp cho những thiếu sót cá nhân. Vì vậy, nếu những người Cô-rin-tô bị thuyết phục bỏ qua thông điệp của Phao-lô vì ngài không phải là người nói năng lưu loát hoặc vì vẻ ngoài xoàng xĩnh, thì lá thư của ngài khiến họ phải suy nghĩ lại.

Sự thật này cũng áp dụng cho mọi tín hữu: bất kể chúng ta cảm thấy thiếu xót đến thế nào để là sứ giả của tin mừng, thì kho tàng mà chúng ta nắm giữ vẫn là vinh quang và hoàn hảo.

Thay đổi bởi Vinh Quang của Thiên Chúa. Làm thế nào thánh Phao-lô đi đến kết luận rằng ngài chỉ là một chiếc bình sành và kho báu thực sự nằm trong Chúa? Làm sao ngài có thể trở nên rõ ràng để chỉ chú tâm vào Chúa Giê-su chứ không phải nhu cầu bản thân? Câu trả lời nằm ngược thời gian, vào thời điểm ngài trở lại. Cuộc gặp gỡ đầy kịch tính của Phao-lô với Chúa Giê-su trên đường Đamas đã thay đổi cuộc đời ngài mãi mãi (Công vụ 9: 1-19). Trong nháy mắt, đôi mắt của ngài đã được mở ra trước sự vĩ đại và vinh quang của Chúa Giê-su — cũng như những khiếm khuyết và yếu đuối của chính ngài.

Có thể dễ dàng để đặt Phao-lô lên ngai vì kinh nghiệm hoán cải đáng nhớ của ngài. Nhưng đó sẽ là một sai lầm. Phao-lô không phải là người duy nhất trải nghiệm sự hiện diện của Chúa một cách đầy ấn tượng như vậy. Môi-se run lên vì sợ hãi và giấu mặt khi gặp Chúa trong bụi cây đang cháy (Xuất hành 3: 6). Tiên tri Isaiah, khi nhìn thấy Chúa, đã quỳ xuống và kêu lên: “Khốn thay cho tôi, tôi đã chết!” (Isaiah 6: 5). Ezekiel không thể làm gì khác hơn là cúi gằm mặt khi nhìn thấy Chúa (Ezekiel 2: 1; 3:23). Khi Phê-rô, Gia-cô-bê và Gioan chứng kiến việc Chúa Giê-su biến hình và nghe tiếng Chúa Cha phán, họ sợ hãi ngã xuống đất (Mt 17: 6).

Loại kinh nghiệm này không chỉ giới hạn ở những anh hùng đặc biệt trong đức tin của chúng ta. Cũng như đối với Thánh Phao-lô, Chúa Giê-su muốn mở mắt tâm hồn chúng ta để chúng ta đón nhận vinh quang và quyền uy của ngài. Ngài muốn cho chúng ta thấy Ngài là ai: một Thiên Chúa của lòng thương xót và yêu thương. Đây là kho báu tuyệt vời mà chúng ta đang ôm giữ! Và càng cảm nghiệm được sự vinh hiển của Thiên Chúa theo cách này, chúng ta càng muốn đầu phục Ngài và sống như những môn đệ khiêm nhường và tận tâm.

Đức Kitô ở trong ta. Thiên Chúa mời gọi tất cả chúng ta loan báo tin mừng như Phao-lô đã làm. Ngài mời chúng ta kể cho mọi người biết về Chúa Giê-su và giúp họ chào đón Ngài vào lòng. Ngài cũng kêu gọi chúng ta phục vụ người nghèo và đứng lên chống lại sự vô luân trong thế giới của chúng ta. Và ngài muốn chúng ta làm điều này với tình yêu thương, sự tôn trọng và sự dịu dàng (1 Phero 3: 15-16). Điều này nghe có vẻ đáng sợ bởi vì chúng ta có xu hướng nhận thức rất rõ về những yếu đuối và thiếu sót của mình. Nhưng Thiên Chúa biết những yếu đuối và thiếu sót của chúng ta thậm chí còn hơn chúng ta nữa, và Ngài vẫn gọi chúng ta. Đó là bởi vì ngài cũng biết rằng với Đức Kitô sống trong chúng ta, chúng ta có thể làm “mọi việc” (Philip 4:13).

Chúng ta có thể gặp trở ngại, như Phao-lô đã gặp. Đôi khi chúng ta có thể là đối tượng của những nhận xét tiêu cực và gây tổn thương. Mọi người có thể chế nhạo khi chúng ta có quan điểm chống phá thai. Đồng nghiệp có thể nói xấu chúng ta sau lưng. Ngay cả con cái của chúng ta cũng có thể cố gắng làm lung lay đức tin của chúng ta bằng cách nhắc khéo chúng ta về những cách mà chúng ta vẫn không sống theo tin mừng.

Để làm cho vấn đề trở nên khó khăn hơn, có thể ma quỷ sẽ cám dỗ chúng ta thu mình lại khi chúng ta gặp phải sự chống đối. Nó có thể thì thầm trong tâm trí chúng ta, “Ai cần phục vụ Chúa nếu đây là phần thưởng của bạn? Bạn đã có đủ phiền não và căng thẳng trong cuộc sống rồi. ” Hoặc nó có thể thúc giục chúng ta đáp lại bằng những lời lẽ khó nghe của chính mình.

Tuy nhiên, Chúa Giê-su đòi chúng ta phải trung thành. Ngài muốn chúng ta tiếp tục xây dựng Giáo hội của ngài và chăm sóc dân ngài. Ngài khuyến khích chúng ta hãy giữ vững sức mạnh và lòng can đảm, sự bình yên và niềm vui , và biết nói không khi bị cám dỗ bỏ cuộc vì bị hiều lầm hay bị tấn công.

Làm sao chúng ta làm được điều này? Bằng cách nhìn vào kho tàng bên trong chúng ta: “đó là chính Đức Ki-tô đang ở giữa anh em, Đấng ban cho chúng ta niềm hy vọng đạt tới vinh quang ” (Cô-lô-se 1:27). Hay như thánh Phao-lô, “Cho nên chúng tôi không chán nản. Trái lại, dù con người bên ngoài của chúng tôi có tiêu tan đi, thì con người bên trong của chúng tôi ngày càng đổi mới.”(2 Cô-rin-tô 4:16).

Hãy nhìn vào cái bình. Sức mạnh của Phao-lô đến từ kinh nghiệm ban đầu của ngài về Đức Kitô Phục sinh và từ đời sống đắm chìm trong cầu nguyện và đầu phục Thiên Chúa của ngài. Thánh Phao-lô đã cẩn thận làm sống lại ký ức về sự hoán cải của mình, và ngài phó thác để Thánh Thần đưa kinh nghiệm này lên cấp độ mới hơn và sâu sắc hơn theo năm tháng.

Thưa anh chị em, đây cũng là lời kêu gọi của chúng tôi. Chúa Giê-su Kitô muốn trở thành kho báu của chúng ta. Ngài muốn lấp đầy chúng ta - những bình đất mà thôi - với ngày càng nhiều cuộc sống và tình yêu thương của Ngài cho đến khi chúng ta tin chắc rằng Đấng ở trong chúng ta mạnh hơn kẻ ở trong thế gian (1 Gioan 4: 4).

Trở về "Chia Sẻ"