Tràn Ngập Yêu Thương
Giuse Thẩm Nguyễn
Vì bị sốt cao nhiều ngày, tôi đã phải vào khu cấp cứu của bệnh viện Kaiser, San Jose vào tối Thứ Sáu ngày 18 tháng 11 năm 2022.
Dù trời bên ngoài lạnh lắm 53 độ F, và người tôi bị sốt 102 độ, tôi vẫn phải đứng đợi bên lề đường ngoài phòng Emergency chờ tới phiên mình. Khoảng 15 phút đợi thì tôi cũng bước vào phòng gặp người tiếp tân để khai tên và khai bệnh tình. Ngay sau đó tôi được gọi vào phòng để đo tim động đồ, lấy xét nghiệm máu và rồi ra ghế ngồi chờ tiếp.
Lúc này không hiểu sao tôi đỡ sốt và mở mắt quan sát. Cái ấn tượng đầu tiên là sự tận tình của người tiếp tân, sau đó là các y tá và các bác sĩ. Tôi cảm thấy mọi người ở đây ai cũng nhiệt tình và đầy yêu thương. Ở họ, tự nhiên tôi thấy hình ảnh một Thiên Chúa cùng lao khổ với con người. Một cô ý tá trẻ cứ thoăn thoát đến hỏi hết người này đến người kia và cả vị bác sĩ trực, những em nhỏ và người già ông đều cúi xuống gần họ để hỏi han và ưu tiên cho khám trước. Tôi ngồi thu mình trong góc phòng nên không thuộc dạng bệnh nhân già ưu tiên...
Được dịp ngồi quan sát, tôi quên hẳn là mình đang lên cơn sốt, mà cứ mải sống với bầu khí yêu thương trong phòng emergency này. Dù cuộc sống ngoài xã hội hôm nay dường như đảo lộn, văn hóa sự chết đang được cổ võ, rồi hận thù, chiến tranh, bắn giết... nhưng vẫn còn biết bao người đang quên mình phục vụ cho người khác,chăm sóc cho người khác, nhất là nơi nhà thương với đầy rẫy nguy cơ nhiễm bệnh. Họ cứ thản nhiên làm nhiệm vụ cứu người. Tự nhiên tôi thấy yêu cái góc tối trong phòng Emergency này và tôi cảm thấy như đang sống trong một khung cảnh thần tiên, đầy ắp yêu thương..
Thế rồi cũng đến lượt tôi và bác sĩ đã cho tôi nhập viện vì tôi đã bị chứng sưng phổi. Họ đẩy tôi vào phòng X-Ray để chụp hình phổi và sau đó đưa tôi lên phòng dành cho bệnh nhân trong bệnh viện.
Một vị bác sĩ Việt Nam là Bs Nguyễn Thành Công đến bên giường tôi với thái độ rất nhã nhặn trìu mến, ông giải thích về bệnh tình của tôi và phương án điều trị. Ông còn nói là sẽ gọi cho bà xã tôi tại nhà để cho biết tình trạng của tôi cho bà an tâm. Rồi cô ý tá tới, truyền nước biển và thuốc kháng sinh cho tôi. Trước khi rời đi, cô còn lấy một chiếc chăn ấm đắp lên cho tôi và chúc tôi ngủ ngon. Tôi cứ ngây người ra trước thái độ ân cần chăm sóc của bác sĩ và y tá. Tôi thầm cám ơn Chúa vì Ngài đã tỏ lộ cho tôi tình yêu của Ngài qua hai vị thiên thần trong bệnh viện này. Tôi quên là mình đang bị bệnh nhưng cảm thấy bằng an và vui mừng vì đã đang được thưởng thức vị ngọt của tình yêu nhân loại. Trong giấc ngủ chập chờn, tôi thấy Chúa vỗ về tôi và chỉ cho tôi cảnh thiên đàng nơi hạ giới.
Ngày hôm sau, kết quả thí nghiệm cho biết là phổi của tôi có chiều hướng nặng thêm. Bác sĩ Công giải thích là có thể tôi cần loại kháng sinh mạnh hơn, nhưng hãy an tâm, có những trường hợp bệnh xấu hơn trước khi khỏi bệnh. Ông cười và ánh mắt quan tâm của ông làm tôi cảm động.
Ngày hôm sau bà bác sĩ người Ấn Độ là Bs Nahrin Khoshaba cũng tới thăm tôi, điều chỉnh thuốc cho thích hợp với bệnh trạng. Bà an ủi và khuyên tôi nên cố ăn nhiều để có sức. Bà chào tôi với nụ cười rạng rỡ của một thiên thần.
Đối với tôi vấn đề tôi quan tâm không phải là bệnh xấu đi hay khỏi bệnh, mà là xin Chúa cho tôi được vui vẻ bước đi theo ý Chúa dù hoàn cảnh có như thế nào. Tôi chuẩn bị tâm hồn để sẵn sàng cho mọi bất trắc và tôi an tâm đi vào giấc ngủ dù bị đánh thức nhiều lần bởi những cơn ho dài làm cho ngực tôi nhói đau.
Cùng phòng với tôi là một ông bị gãy chân. Chúng tôi đã làm quen với nhau, giãi bày với nhau về nhân sinh quan và cuối cùng chúng tôi trở thành hai người bạn thân. Ông hiện nay đang sống một mình với con chó già, vợ ông mất cách đây ba năm. Ông bằng lòng với cuộc sống của người khuyết tật cô đơn trong căn nhà nhiều kỷ niệm ở Los Gatos.Tôi hỏi xem tôi có làm phiền ông không vì những cơn ho dài của tôi ban đêm, ông cho biết là lúc đầu cũng hơi khó ngủ, nhưng quen dần. Với lại ông bảo ông là người giống tôi vể cách suy nghĩ nên sẽ nhớ tôi sau khi xuất viện. Có những buổi tối ông kể nhiều chuyện vui làm tôi cười ngất và đi vào giấc ngủ với nhiều mộng đẹp.
Tôi nói với ông về niềm tin của tôi. Tôi tin tất cả những gì tôi có đều đến từ Chúa và trong mọi hoàn cảnh tôi luôn bình tâm để Chúa hoạt động trong tôi. Tôi chọn ý Chúa chứ không theo ý riêng của tôi vì thế ở bệnh viện tôi cũng vui mà khỏi bệnh tôi cũng vui. Sau khi nghe tôi tâm sự, ông thở dài thú nhận ông cũng là người Công Giáo hồi còn nhỏ, nhưng quên Chúa lâu rồi. Ông nói với tôi rằng ông ước là ông cũng có niềm tin vào Chúa mạnh mẽ như tôi. Tôi bảo ông rằng Chúa lúc nào cũng giang tay đón ông trở về. Hôm nay tôi với ông cùng nằm trong phòng ở bệnh viện này cũng là ý Chúa và là cơ hội để ông nghĩ về Người. Ông cúi đầu một hồi lâu và rồi ngẩng lên nhìn tôi với đôi mắt đỏ hoe. Đâu có tình yêu thương ở đấy có Đức Chúa Tròi là như thế.
Một điều khiến tôi vui nhưng có lẽ lại làm cớ cho ông bạn tôi buồn. Trong thời gian ở nhà thương, bốn đứa con tôi cứ lần lượt mỗi ngày đều đến thăm tôi. sự thăm nom của các con tôi làm cho ông buồn vì hoàn cảnh cô đơn của ông. Tôi nói với ông các con là hoa trái của tình yêu vợ chồng và là sự chúc phúc của Thiên Chúa. Không phải ai cũng vui vì con cái, có bao cảnh cha mẹ già bị con cái bất hiếu bỏ rơi.
Trước ngày tôi ra viện, chúng tôi đã trao đổi thông tin và hứa sẽ liên lạc với nhau sau. Tôi lại thấy Chúa vẫn luôn ở bên tôi và cho tôi cơ hội để làm chứng cho tình yêu của Ngài.
Ngày tôi ra viện, vẫy tay chào mà thấy tội nghiệp cho ông bạn mới quen. Tôi vẫn nhớ ông trong kinh nguyện mỗi ngày.
Tôi không vui quá đỗi mà cũng chẳng thấy buồn tê tái, tôi bằng lòng với những gì đã xảy ra vì tôi biết Chúa luôn bên cạnh tôi và như thế là hạnh phúc cho tôi rồi.
Hôm nay ngồi viết lại những diễn biến trong những ngày qua, tôi nghiệm được rằng trên đời này, dù sao người tốt vẫn nhiều hơn kẻ xấu, tình yêu thương vẫn đè bẹp ghen ghét hận thù. Và sự bình an mà Thiên Chúa ban không phải ai cũng cảm nghiệm được, nhưng chỉ khi biết phó thác đời mình trong sự quan phòng của Thiên Chúa và đặt Chúa là ưu tiên số một trong đời sống mình.
Lạy Chúa, con yêu mến Ngài. Amen.