Ý Chúa hay ý con.

Giuse Thẩm Nguyễn

Trong Tin Mừng, khi Chúa thực hiện phép lạ như chữa bệnh hay trừ quỷ, Chúa luôn nghiêm cấm người ta không được nói cho ai biết. “Đức Giê-su nghiêm cấm họ không được để một ai biết việc ấy” (Mac 1:43). Thế nhưng Chúa càng cấm, người ta càng “rao truyền và tung tin ấy khắp nơi, đến nỗi Người không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành. Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người. (Mac 1:45).

Có phải Chúa dùng chiến thuật “cấm” để người ta càng loan truyền không? Dĩ nhiên là không phải thế. Ngài cấm vì Ngài không muốn con người quá chú tâm vào những việc mang tính trần thế mà quên đi sứ điệp quan trọng là “cứu chuộc con người khỏi tội lỗi và nâng con người lên tầm được làm con Thiên Chúa và được hưởng đời sống viên mãn trên Thiên Đàng.”

Thực tế ngày nay có không ít người giữ đạo chỉ vì phép lạ. Họ xem Chúa như một người làm phép lạ để phục vụ cho những nhu cầu của mình. Nơi nào xảy ra nhiều phép lạ, họ càng kéo đến đông, càng tỏ vẻ cung kính và quảng đại dâng hoa, dâng tiền bạc. Điều này chẳng những không giúp nhiều cho đời sống thiêng liêng mà còn biến tôn giáo thành một kiểu buôn thần bán thánh, mê tín dị đoan và hạ thấp những chân lý đức tin.

Dĩ nhiên, chúng ta có quyền xin Chúa thực thi những phép lạ, giúp dàn xếp những bất ổn trong gia đình, giúp chữa lành bệnh, giúp vượt qua khó khăn hoạn nạn… Nhưng chúng ta không nên xem phép lạ là điều kiện tối cần thiết phải có để tin vào Chúa. Cầu xin là việc ta cần làm, còn việc có ban cho ta theo lòng ta sở nguyện hay không là chuyện của Thiên Chúa. Ngài thừa biết điều gì tốt cho chúng ta và khi nào ban thì có lợi cho ơn cứu độ của chúng ta hơn.

Trong một cuộc trao đổi với bạn bè quanh bàn tiệc, có người cho rằng khi xin điều gì thì nên tin chắc là Chúa sẽ ban cho, vì nếu xin mà không tin, hay nghi ngờ ơn ban thì cầu xin để làm gì khi biết là Chúa sẽ chằng ban cho đâu. Hơn nữa chính Chúa đã phán “Thầy bảo các con: Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì sẽ được, ai tìm thì sẽ gặp, ai gõ thì sẽ mở cho.” (Lc 11, 9). Và như thế chắc chắn khi ta hết lòng cầu xin và tin thật thì nhất định sẽ được.

Có người khác lại cho rằng khi chúng ta đau khổ, bệnh tật thì chúng ta nên cầu xin và tin là Chúa sẽ nhận lời, nhưng không nhất thiết ơn Chúa ban phải là được khỏi bệnh. Cầu nguyện để lắng nghe tiếng Chúa, để có sự bằng an trong tâm hồn và sẵn sàng chấp nhận mọi sự theo thánh ý của Thiên Chúa đã định cho cuộc đời mình. Chúa cho khỏi bệnh như mong muốn thì còn gì bằng, nhưng nếu vì lợi ích thiêng liêng phần hồn, Chúa muốn mình chịu thử thách vì một lý do nào đó, thì cầu nguyện để được vui lòng chấp nhận như trong kinh Lạy Cha “xin cho ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.”

Cả hai bên đều có những lý luận sắc bén, lại có Kinh Thánh trích dẫn, nên chẳng biết ai đúng ai sai!

Nhớ lại trong mùa dịch covid những năm qua, đã có những lý luận của những người tự xưng là Công giáo, hỏi rằng Thiên Chúa ở đâu mà lại cho dịch bệnh lan tràn như thế, để chúng con khổ sở, nhà thờ phải đóng cửa, đời sống con người khốn đốn. Họ cầu nguyện rồi họ trách Thiên Chúa. Họ cho rằng Thiên Chúa không có quyền vắng mặt và im lặng. Nếu Ngài là Thiên Chúa toàn năng, Ngài phải tiêu diệt sự dữ. Vì Ngài là Cha yêu thương, Ngài không thể quay lưng với nỗi khốn khổ của con người và cuối cùng họ đã thất vọng gào lên “vì có đau khổ, nên không có Thiên Chúa”. Cầu xin không được như ý, con người trở thành kẻ vô ơn và phản bội.

Chúng ta đều có ít nhiều kinh nghiệm về bệnh tật, về đau khổ, chính những lúc tưởng chừng như tuyệt vọng thì lại nhận ra ý nghĩa của đau khổ là một màu nhiệm và khi bằng lòng chấp nhận, với ơn Chúa ta cảm thấy bình an.

Chúa không hứa với những người theo Chúa là sẽ tránh khỏi đau khổ, tránh khỏi bệnh tật, nhưng chính Ngài đã mang lấy sự đau khổ vào thân, đã bị sỉ nhục, roi đòn và chết trên thập giá. Chính Chúa Giê-su cũng cảm nhận sự vắng mặt của Thiên Chúa Cha, "Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con? (Mc 15,34)

Chúa mời gọi chúng ta cứ xin và tin chắc là sẽ được cho, nhưng không phải theo ý chúng ta mà là theo ý Thiên Chúa. Ngài là người cha nhân hậu nhưng không nuông chiều con cái, Ngài cắt tỉa để chúng ta sinh nhiều hoa trái thiêng liêng hơn. Ngài sẽ ban cho chúng ta những điều tốt lành, những điều có lợi cho chúng ta, để giúp chúng ta trưởng thành, triển nở về đức tin và đạt được hạnh phúc đích thực, không chỉ ở đời sau mà cả ở đời này.

Xin cho con trung thành tiếp tục cầu nguyện và ở lại với Thiên Chúa. Ngài là chỗ con nương thân và là hy vọng của đời con. Amen.

Trở về "Chia Sẻ"